Tác giả: Chan Ho Kei (Trần Hạo Cơ)
*************************
Một: Qua Hồng Kông đánh bài với tác giả
Thanh tra thiên tài Quan Chấn Đạc – nhân vật chính của 13.67 – từng ví việc đấu trí tội phạm như đánh bài: Mấu chốt là phải khiến đối thủ nghĩ họ đang ở thế thượng phong. Vào lúc đối thủ chủ quan, lơ là, bạn tung ra át chủ bài. Đối thủ trở tay không kịp. K.O.
Sử dụng đúng chiêu này, tác giả Trần Hạo Cơ đã biến 13.67 thành một ván bài giữa ông và người đọc. 13.67 là một cuốn tiểu thuyết trinh thám gồm 6 vụ án, lấy bối cảnh Hồng Kông trải dài từ 1967 đến 2013. Trong quá trình vừa đọc vừa “phá án”, nhiều lần mình tưởng đã đoán được cái kết, thậm chí còn hơi thất vọng vì “dễ đoán thế thôi à”.
Nhưng chính lúc mình vênh váo nhất, tác giả sẽ bất ngờ tung ra cú twist quật mình không trượt phát nào. Rồi mình vỡ lẽ: Ngay từ đầu, tác giả cố tình lừa để mình nghĩ là mình sắp thắng. Thậm chí đến tận trang cuối, mình vẫn ngã ngửa ra. Các cụ nói “cờ bạc ăn nhau về cuối” cấm có sai.
Trong ván bài này, mình thua. Một cách mãn nguyện.
Hai: Một vòng tròn lớn
6 vụ án trong sách đứng riêng rất ổn. Thậm chí tự mỗi vụ án có thể là một truyện riêng biệt. Nhưng ghép chúng vào thành một câu chuyện lớn trải dài 5 thập kỷ mới khiến sách đạt sức công phá khủng khiếp. Vì sao?
13.67 đã làm tốt hơn nhiều nhiệm vụ ban đầu của nó: Là một cuốn sách trinh thám. Tác giả mượn chuyện nghề của một viên cảnh sát từ năm 1967-2013 để bàn về công lý, về lẽ phải, và cả về số phận của Hồng Kông.
Chưa hết, có một vòng tròn xoay vần từ năm 1967 đến 2013 – quãng thời gian làm việc của Quan Chấn Đạc. Rất nhiều thứ phải tuân theo quy luật vòng tròn ấy. Chẳng hạn như vòng tròn uy tín của cảnh sát Hồng Kông này. Vào năm 1967, niềm tin của người dân dành cho cảnh sát chẳng mấy tốt đẹp. Bằng tài năng và cái tâm với nghề, Quan Chấn Đạc dần khôi phục uy tín cho ngành. Nhưng đến 2013, mọi thứ trở về như năm 1967. Hình ảnh người cảnh sát trong mắt bà con lại xập xệ như trước.
13.67 được kể theo tuyến thời gian đảo ngược: Mở đầu với năm 2013 và kết thúc ở năm 1967. Phải chăng lối kể này để ngầm nói rằng 1967 hay 2013 thì cũng thế? Vì đi một vòng lớn rồi nhưng tình hình năm 2013 cũng không khác 1967 là bao. À, nếu bạn vẫn còn chưa nhận ra, thì con số 13.67 trên tựa sách là để chỉ hai mốc thời gian này.
Ở tầng nghĩa cao hơn, có lẽ vòng tròn ấy ám chỉ thời vận Hồng Kông – vùng đất với lịch sử phức tạp: từng bị cho nước Anh “mượn”, về sau lại bị trao trả cho Trung Quốc, và đến tận giờ vẫn lùm xùm vấn đề chủ quyền với Trung Quốc.
Nói về vận mệnh một xứ sở dưới lớp vỏ truyện trinh thám, qua đó thể hiện trăn trở: Vòng tròn này sẽ lặp đi lặp lại đến khi nào? Hồng Kông rồi sẽ ra sao? Đó chính là hoài bão của tác giả khi viết cuốn sách này.
Ba: Làm quá
Gần đây mình hay nghĩ về cái gọi là ‘hoài bão’. Cụ thể hơn là làm sao để người khác tin vào hoài bão của bạn và cùng bạn thực hiện? Mấy cái này thường được nói trong các phạm trù kinh doanh, chính trị nhỉ.
Còn ở phạm vi của một cuốn sách thì sao? Như đã nói ở trên, cuốn sách đầy tâm huyết này thể hiện hoài bão của Trần Hạo Cơ. Chẳng cần hô hào hay nói nhiều, nhưng tâm huyết và hoài bão ấy rõ ràng đến mức bất cứ ai dính dáng đến cuốn sách này cũng tự đặt cho mình trách nhiệm phải “go the extra mile”. Tạm dịch câu này là “làm quá” đi ha :))
Sự “làm quá” trước tiên đến từ đội ngũ NXB IPM Việt Nam. Dịch giả và biên tập đã đem đến một bản dịch thoát ý với rất nhiều chú giải cẩn thận. Phần chú giải này cực hữu ích cho những bạn chả biết quái gì về lịch sử hay kể cả bản đồ Hồng Kông.
Bạn sẽ còn đội ơn những chú giải của bản Việt hơn nữa nếu từng thử đọc bản dịch tiếng Anh (tên: The Borrowed). Trong một lần vã quá, mình đã đọc tạm bản tiếng Anh. Kết quả là không thể đọc tiếp vì quá khó hiểu =)))
Trong thời buổi sách có “vài” lỗi đánh máy là “chuyện thường”, mình vô cùng trân trọng bản dịch hiếm hoi KHÔNG SAI CHÍNH TẢ, lại truyền tải trọn vẹn tinh thần của sách này.
Sự “làm quá” thứ hai đến từ vị trí của những người viết mô tả sách trên Tiki (tiếng Việt) và Amazon (tiếng Anh). Hai phần giới thiệu là hai hướng tiếp cận truyện khác nhau, nhưng đều khiến người ta muốn ĐỌC SÁCH CHO BẰNG ĐƯỢC (bất chấp quả bìa bản Việt xấu mù. Ừm, minh chứng cho câu “Đừng đánh giá cuốn sách qua vẻ bề ngoài” đó.)
Đội ngũ NXB cùng những người viết lời giới thiệu đã làm 200% vai trò của họ. Đó là cách họ đáp lại hoài bão của tác giả.
Trước những sự “làm quá” kể trên, mình chần chừ mãi không dám review cuốn sách này. Mình sợ rằng, viết gì cũng không xứng đáng với sách và công sức của những con người kia.
Mình không viết về ranh giới giữa đen và trắng mà Quan Chấn Đạc luôn đứng giữa, cũng không viết về ý “Where there is murder, there is a humanity”. Đơn giản vì ngoài kia đã có người viết rồi. Và họ đã làm quá xuất sắc.
Kết:
13.67 đem lại cho mình trải nghiệm gần nhất với khi đọc “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya” (top 3 sách mình thích nhất cuộc đời). Tuy trải nghiệm kém trọn vẹn vì trót dính spoiler, mình vẫn vừa đọc vừa bị choáng ngớp bởi bộ óc sắc sảo và tâm huyết của tác giả. Cũng như khi đọc Namiya, mình đã phải tạm nghỉ giữa chừng mấy lần chỉ để “lấy hơi”.
Gấp 13.67 lại, mình đã thực sự tin rằng: Mình phải sống tiếp trên cõi đời này để có thể đọc thêm nhiều những cuốn sách như thế này.
Đăng nhận xét
✅ Click vào ô "Thông báo cho tôi" ở góc trái bên dưới để theo dõi phản hồi nhận xét của mình!
✅ Không spam quảng cáo, có thái độ mạt sát, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm người khác!
✅ Cám ơn các bạn!