Én liệng truông mây
Tập 03: Những mảnh tình trắc trở
Tác giả: Vũ Thanh
Diễn đọc: Phạm Hùng
Nguồn: Thư viện sách nói dành cho người mù
"Vào
gần cuối thế kỷ 18, cuộc khởi nghĩa của những người áo vải đất Tây Sơn
chống đối thế lực cường quyền mới được chính sử Việt Nam ghi nhận, dù
một thời các sử quan đã gọi họ là bọn dấy loạn. Được sử ghi chép là vì
cuộc dấy nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn đã xóa tan cả một thể chế cầm
quyền cung Vua phủ Chúa kéo dài trăm năm hơn. Với các trận chiến nổi
tiếng đi vào lịch sử dân tộc như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, trận Ngọc Hồi
– Đống Đa… cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã lập nên một vương triều tuy
ngắn ngủi nhưng mang một chính nghĩa sáng ngời với khẩu hiệu “Lấy của
nhà giàu chia cho dân nghèo” và nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi
tầng lớp..."
...Ở Én Liệng Truông Mây
chỉ có những nhân vật hiệp sĩ nghĩa khí luôn phóng tâm thực thi khẩu
hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Hình mẫu hiệp sĩ này là sản
phẩm của xã hội thời đó, một xã hội mà Phật giáo là Quốc giáo cùng với
chủ trương Tam giáo đồng lưu của Chúa Nguyễn Phúc Chú đã làm bộ mặt xã
hội Đàng Trong trở nên hoàn thiện hơn, thân thiết hơn và nhân bản hơn.
Và hình mẫu này đã được tác giả Vũ Thanh gói gọn trong vài dòng ngắn gọn
nhưng thật súc tích: “Người hiệp sĩ Việt có cái khí tiết quân tử và đức
độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tiêu sái của Lão giáo, có
tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho nguyên thủy.”
Với một xã hội đặt trên nền tảng đạo đức như vậy nên suốt chiều dài câu chuyện Én liệng Truông Mây
luôn bàng bạc ánh sáng từ bi, điển hình là qua lời dạy ngắn gọn của một
thiền sư: “Là họa là phúc đều đã có nhân duyên từ tiền kiếp. Việc các
con nên làm bây giờ là phải trì chú tu tâm hành thiện, đem cái thiện
nghiệp lực của mình làm nhẹ bớt đi hung nghiệp cho đứa con. Các con nên
nhớ rằng để cải hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch không gì bằng tình thương,
nhất là tình thương của người mẹ”. Mẹ của chú Lía đã có thể thay đổi
chàng từ một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung dữ trở thành một người hiệp sĩ cứu
khốn phò nguy, hết mực thương yêu bảo bọc cho những người cùng khổ. Và
cũng chính nhờ tấm lòng đó mà Lía đã cảm hóa được vợ mình, một phụ nữ
nhan sắc, lúc nào cũng rắp tâm báo thù cho chồng cũ và gia đình.
Cũng từ cách xây dựng hình tượng người hiệp sĩ như thế, ta có thể nhận ra cuộc khởi nghĩa trong Én liệng Truông Mây
không chỉ là cuộc đấu tranh của những người cùng khổ chống lại ách bạo
quyền và bóc lột, thực thi câu tuyên ngôn trên mà nó còn là cuộc đấu
tranh giữa lòng nhân đạo của những người hiệp sĩ chống lại dục vọng đời
thường của những kẻ xấu xa, chỉ vì ham mê danh lợi, tiền tài và mỹ sắc
đã đang tâm phản bạn đưa đến việc thành Truông Mây sụp đổ chôn vùi hàng
ngàn nghĩa sĩ. Thất bại dẫn đến cái chết của những hiệp sĩ Truông Mây
phản ánh một xã hội mà dục vọng và tà tâm đang hồi cực thịnh. Nhưng
chính nghĩa rồi cũng sẽ thắng hung tàn, chí nhân rồi sẽ thay cường bạo.
Thành Truông Mây tuy sụp đổ nhưng những mảnh vụn ấy đã nhào trộn với máu
đỏ của những anh hùng, đúc thành một cái móng vững chắc cho thành Tây
Sơn. Và hào khí tỏa ra từ những cái chết lẫm liệt của các hiệp sĩ Truông
Mây đã nhóm lên một ngọn lửa đỏ trên lá cờ đào, hun đúc bầu nhiệt huyết
trong lòng những người kế tục, để rồi với sự dẫn dắt tài tình của Tây
Sơn tam kiệt, lá cờ đào kia đã nhanh chóng từ một nơi hẻo lánh, lan rộng
và phủ trùm cả cõi bờ Đại Việt từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau, chói
lọi khắp năm châu.
Không những vậy, ở Én liệng Truông Mây
chúng ta còn tìm thấy những tấm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất,
thượng võ của người hiệp sĩ Việt trong việc phát huy nền võ thuật cổ
truyền dân tộc qua những trận so tài ngoạn mục với các võ sĩ Trung Hoa,
Nhật bản, Xiêm La… Đồng thời, lẫn khuất đâu đó là những chuyện tình éo
le thời loạn lạc, đẹp nhẹ nhàng nhưng rất mực mặn mà, thủy chung.
Én liệng Truông Mây
đã tái dựng nên một giai đoạn lịch sử thời Trịnh – Nguyễn đầy biến
động. Và địa danh Truông Mây, nơi khơi mào tuyên ngôn của sự công bằng,
nơi lóe lên tia chớp soi đường cho những nghĩa sĩ sẽ tụ nghĩa ở Tây Sơn
cũng là nơi khởi đầu cho những địa danh lịch sử hừng hực lửa trong phần
hai: Nhất Thống Sơn Hà của bộ trường thiên tiểu thuyết TÂY SƠN TAM KIỆT,
bộ trường thiên đáng lưu tâm để mọi người cùng nhau ngẫm về quá khứ.
*********
Nghe audio online
(Hết quyển 3)
إرسال تعليق
✅ Click vào ô "Thông báo cho tôi" ở góc trái bên dưới để theo dõi phản hồi nhận xét của mình!
✅ Không spam quảng cáo, có thái độ mạt sát, bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm người khác!
✅ Cám ơn các bạn!